13:33 18/05/2018
Lượt xem: 1556
Một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp ngành năng lượng của Vương quốc Anh đã có mặt tại TPHCM để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Sự kiện có tên EIC Connect Energy Vietnam 2018 do Tổng lãnh sự quán Anh tại TPHCM phối hợp với Hội đồng Công nghiệp Năng lượng (EIC) và nhiều tập đoàn năng lượng tại Việt Nam tổ chức.
Sự kiện EIC Connect Energy Vietnam 2018 diễn ra ngày 17/5 do Tổng lãnh sự quán Anh tại TPHCM phối hợp với Hội đồng Công nghiệp Năng lượng (EIC) và nhiều tập đoàn năng lượng tại Việt Nam tổ chức
Ông Simon McDonald, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Anh cho biết, sự kiện EIC Connect Energy Vietnam 2018 được tổ chức nhằm mục đích kết nối các doanh nghiệp trong ngành năng lượng của hai nước. Đây là phái đoàn lớn nhất về năng lượng của Vương quốc Anh đến Việt Nam từ trước đến nay.
“Trong 20 năm tới thì ngành năng lượng là ngành có cơ hội rất lớn bởi nhu cầu về năng lượng của nhiều nước trên giới đang tăng vọt, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam”, ông Simon McDonald nói.
Ông Azman Nasir, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của EIC chia sẻ, lý do mà các doanh nghiệp năng lượng tại Anh lựa chọn Việt Nam là vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước có kế hoạch đầu tư cho năng lượng nhiều nhất trong những năm tới. Việc này cũng mang lại nhiều cơ hội lớn cho những doanh nghiệp tại Anh chuyên cung cấp trang thiết bị, máy móc cho các dự án năng lượng.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương thì Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng lại đang trở thành một nước nhập khẩu năng lượng do nhu cầu trong nhân dân tăng mạnh. Trong khi đó, khả năng khai thác các nguồn năng lượng trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc kết nối với các doanh nghiệp tại Vương quốc Anh để học hỏi kinh nghiệm và hợp tác đầu tư là rất cần thiết.
“Việt Nam đang là 1 trong 10 nước có nhu cầu sử dụng điện lớn nhất thế giới và để đáp ứng được nhu cầu điện từ nay đến năm 2030 thì chúng ta sẽ vẫn phát triển các nguồn năng lượng truyền thống như than, khí, dầu, thủy điện song song với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trởi, điện gió”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, do nhu cầu tăng cao nên Chính phủ khuyến khích các dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo và thời gian qua đã có rất đông các doanh nghiệp gửi hồ sơ dự án lên Bộ Công thương. Lãnh đạo Bộ Công thương đã đồng ý cho 33 dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời và nhiều dự án điện gió được triển khai trong thời gian tới.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam từng nhận định, nước ta là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, nhưng đến nay, nguồn năng lượng này ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Simon McDonald, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Anh (bìa phải) trao đổi với ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương (thứ 3 từ phải qua) trong sự kiện
Hiện nay, với các công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió 5m/s trở lên, tua bin đã có thể phát ra điện. Ước tính, điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 40.000 – 50.000 MW, nếu tính thêm tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100.000 MW.
Cùng với đó, bức xạ mặt trời tại Việt Nam cũng được coi là nguồn năng lượng vô tận. Mức độ bức xạ mặt trời tính bình quân có thể đạt khoảng 3-5 kWh/m2/ngày, số giờ nắng bình quân hàng năm khoảng 2.500 -3.000 giờ.
Việt Nam có thể lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời ở nhiều vùng khác nhau như, trên bờ biển, trên hồ nước, đồng bằng, rừng núi, trên mái nhà… Nếu lấy trung bình cứ khoảng 1ha thu được 1 MW điện mặt trời, Việt Nam có thể sản xuất ra hàng chục ngàn MW công suất từ bức xạ năng lượng mặt trời.
“Đối với nguồn năng lượng sinh khối, Việt Nam là nước có nông, lâm, ngư nghiệp phát triển, phụ phẩm từ rừng, biển, nông nghiệp hàng năm rất to lớn. Ngoài ra, việc tận dụng các nguồn rác thải công nghiệp, sinh hoạt từ các thành phố đều có thể sản xuất ra điện”, ông Vy nói.
Nguồn: Dân Trí