16:22 13/10/2024
Lượt xem: 304
Mỗi kWh điện có giá 2.103,11 đồng áp dụng từ hôm nay, theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tại họp báo chiều 11/10, EVN thông báo giá bán lẻ điện bình quân (giá điện) tăng từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8%.
Quyết định tăng giá điện lần này được đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn. Năm ngoái, tập đoàn này lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo từ 2019 đến 2023.
Đây là năm thứ hai liên tiếp EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện. Trước đó, năm 2022 "ông lớn" ngành điện cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt sau tăng giá ngày 11/10:
Giá cũ (đồng/kWh) | Bậc | Mức sử dụng | Giá mới (đồng/kWh) | Tiền điện tăng (đồng/tháng) |
1.806 | 1 | 0-50 kWh | 1.893 | 4.350 |
1.866 | 2 | 51-100 kWh | 1.956 | 8.850 |
2.167 | 3 | 101-200 kWh | 2.271 | 19.250 |
2.729 | 4 | 201-300 kWh | 2.860 | 32.350 |
3.050 | 5 | 301-400 kWh | 3.197 | 47.050 |
3.151 | 6 | 401 kWh trở lên | 3.302 | 62.150 |
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, mức tăng lần này được tính toán trên cơ sở cân đối để đảm bảo không ảnh hưởng đời sống người dân, an sinh xã hội. Hiện có hơn 17,4 triệu hộ dùng điện sinh hoạt dưới 200 kWh một tháng. Mỗi hộ trong số này phải trả thêm bình quân 13.800 đồng một tháng.
"Mức tăng không ảnh hưởng lớn tới nhóm khách hàng này", ông Nam nói, thêm rằng nhóm có mức tiêu thụ cao hơn tiền điện phải trả nhiều hơn.
Còn với nhóm khách hàng dùng 200-300 kWh một tháng, bình quân tăng khoảng 32.000 đồng. Với người sử dụng nhiều, từ 400 kWh trở lên, ông Nam nói số tiền phải trả tăng mỗi tháng khoảng 62.000 đồng.
Hộ nghèo vẫn được hỗ trợ bằng tiền tương ứng 30 kWh một tháng. Hộ chính sách cũng được hỗ trợ tương đương, với điều kiện dùng ít hơn 50 kWh một tháng, theo Quyết định 28 của Thủ tướng.
Tập đoàn này ước tính, tiền điện phải trả thêm mỗi tháng của nhóm khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ là 247.000 đồng; sản xuất 499.000 đồng và hành chính sự nghiệp là 91.000 đồng. Cũng theo Phó tổng giám đốc EVN, giá điện điều chỉnh lần này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,04%.
Công nhân Điện lực Hà Nội sửa chữa trên đường dây. Ảnh: Ngọc Thành
Năm ngoái, giá điện được điều chỉnh 2 lần, lần lượt tăng 3% vào tháng 5 và 4,5% vào tháng 11.
Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất của EVN năm 2023 là hơn 528.600 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng một kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.
Hiện EVN và các Tổng công ty phát điện (các Genco) chiếm khoảng 37,5% nguồn điện; 62,5% còn lại phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 82% chi phí giá thành mua điện - cao gấp đôi các nước. Doanh nghiệp này còn khoảng 17% để điều tiết các khâu còn lại như truyền tải, phân phối, nên khó khăn trong tối ưu tài chính.
Theo Quyết định 05 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 26/3, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá điện được điều chỉnh khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với mức hiện hành.
Trong khi đó, cơ cấu biểu giá điện đang được Bộ Công Thương rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp để tăng cạnh tranh trong ngành điện.
Nguồn: Phương Dung - https://vnexpress.net/