11:27 11/01/2022
Lượt xem: 1190
Bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, khi cho tư nhân đầu tư lưới truyền tải sẽ tác động tới giá điện, làm "giá mặt hàng này có thể rất cao".
Sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến tại hội trường về một luật sửa 8 luật, trong đó có Luật Điện lực về cho phép tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải điện.
Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận định, dự thảo luật chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, nên có thể dẫn tới tuỳ tiện trong áp dụng.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị, phân định rõ lưới điện truyền tải nào mà thành phần kinh tế tư nhân có thể tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành; loại nào do Nhà nước quy hoạch và giao EVN thực hiện.
Lưu ý khác cũng được nữ đại biểu nêu là khi cho tư nhân đầu tư lưới truyền tải có thể sẽ tác động tới giá điện. "Lúc đó giá điện có thể rất cao. Cần có đánh giá tác động, tránh ảnh hưởng tới người tiêu dùng", bà nêu ý kiến.
Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ảnh: Hoàng Phong
Thảo luận trước đó tại tổ về sửa đổi cho tư nhân đầu tư vào truyền tải điện, ông Trần Văn Khải, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cũng cho rằng, chi phí xây dựng đường truyền tải điện sẽ được tính vào giá bán điện cho người tiêu dùng. Vì thế, khi cho tư nhân tham gia làm truyền tải điện có thể "ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng, các khách hàng dùng điện".
"Sửa một điều của Luật Điện lực có giải quyết được các điểm nghẽn hay không, vì không xem xét kỹ sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ không kiểm soát được", ông Khải nhận xét.
Ông cũng nhắc lại quy định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là thu hút mọi nguồn lực đầu tư, nhưng phải đảm bảo quốc phòng an ninh và ông băn khoăn nhất về việc đảm bảo an ninh hệ thống điện quốc gia.
Thảo luận trước Quốc hội, một số đại biểu cho rằng để tư nhân tham gia đến đâu cần tính toán thận trọng, chắc chắn, đảm bảo vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước.
Bà Lưu Mai nói, dự thảo luật chưa phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước trong vận hành, quản lý lưới điện cũng như thẩm quyền quyết định chọn nhà đầu tư.
Khi có thêm nhà đầu tư tư nhân rót vốn xây dựng đường truyền tải điện thì trong cùng hệ thống sẽ có nhiều chủ thể khác nhau vận hành lưới truyền tải. Bà Mai cho rằng, lưới điện truyền tải cần có sự quản lý vận hành thống nhất, nếu "không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn hệ thống, gây hậu quả sau này".
Trường hợp nếu dự án truyền tải cho tư nhân đầu tư giao lại cho Nhà nước quản lý, vận hành, dự thảo luật lại thiếu quy định cơ chế, phương pháp định giá để hạch toán chuyển giao ra sao. "Hệ thống lưới điện truyền tải là tài sản, thời gian qua có trường hợp định giá không chuẩn xác gây thiệt hại lớn, nên cần có quy định cụ thể", bà nói.
Ông Vũ Huy Khánh, đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đề nghị sửa quy định cho tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện theo hướng Nhà nước không độc quyền. Song việc này phải có kiểm soát và vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ, tác động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả các công trình đó do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư, xây dựng.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nói cần thu hút tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. "Đây là vấn đề vốn gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển về điện, nhất là điện gió, điện mặt trời", ông nói.
Tuy vậy, dự thảo luật lại chưa nêu rõ quy định về quản lý, vận hành và khai thác, bàn giao công trình lưới điện cũng như ảnh hưởng với an ninh năng lượng quốc gia do tư nhân đầu tư. Ông nói cần bổ sung các quy định để đảm bảo minh bạch, công khai và cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Bà Vũ Thị Lưu Mai cũng đồng tình và lưu ý, từ chính sách tới chủ trương là một khoảng cách, nên các quy định luật cần kín kẽ, cụ thể để đảm bảo hiệu quả quản lý. "Trong trường hợp chưa chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ chặt chẽ, nên tiếp tục nghiên cứu, lùi lại Quốc hội kỳ họp sau", bà nêu quan điểm.
Bà cũng đề cập đến tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Theo bà Mai, ngày hôm nay, Quốc hội mới bàn nên hay không nên cho khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, tuy nhiên trước đó, ngay cả khi chưa có Nghị quyết 55, một doanh nghiệp tư nhân đã được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, đó là doanh nghiệp Trung Nam.
Tháng 10/2020, doanh nghiệp này đã khánh thành đường dây 500 kV từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Ninh Thuận. Bà Mai nhận xét, những đóng góp của doanh nghiệp là đáng trân trọng, nhưng những nghị quyết của Đảng là định hướng quan trọng "cần được thể chế hoá bằng pháp luật mới được phép áp dụng". Vì thế, việc áp dụng Nghị định 55 khi chưa được cụ thể hoá trong luật, bà Mai nói, "chưa phù hợp với quy định của pháp luật".
Giải trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, ở lần sửa này Chính phủ đề nghị "phá thế độc quyền của Nhà nước về truyền tải điện"; còn để thể chế hoá Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng, ông nói "còn nhiều việc phải làm", như về năng lượng sạch, giá điện. Hiện, Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thảo luận ở kỳ họp tháng 5/2022.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 8 luật vào chiều mai (11/1).
Nguon:https://vnexpress.net/ -Hoài Thu