TP HCM có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời

 16:16 25/09/2018

 Lượt xem: 1090

 

TP HCM được đánh giá là một trong những tỉnh thành có tiềm năng lớn để phát triển ngành năng lượng mặt trời và là nơi có các hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ ứng dụng thực tiễn nguồn năng lượng mặt trời quy mô lớn nhất nước.

Theo khảo sát của Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) thì tổng công suất lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại TP HCM đến tháng 6/2017 khoảng 33MW. Trong đó, hiện toàn thành phố có khoảng 17.340 bình nước nóng năng lượng mặt trời, góp phần cắt giảm được công suất hệ thống khoảng 31MW. Và công suất lắp đặt pin mặt trời hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính đạt 2MWp, trong đó 1.838,2 kWp đã nối lưới, được phân bố ở hai đối tượng chính gồm tòa nhà các cơ quan và doanh nghiệp 1.607,2 kWp (chiếm 87,5%) và hộ gia đình 231 kWp (chiếm 12,5%).

TP HCM có điều kiện khí hậu rất phù hợp để phát triển điện mặt trời, nắng quanh năm, dù mùa mưa thì trong ngày vẫn có nắng. Theo đó, cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TP HCM là khá cao nên có tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời tương đối lớn. Ước tính tổng bức xạ theo phương ngang (GHI) trung bình hằng năm tại khu vực phía Nam (trong đó có TP HCM) là 4,8-5,5 (kWh/m2/ngày).

Tuy nhiên, do quỹ đất hạn chế nên việc phát triển điện mặt trời tại TP HCM không khả thi đối với các nhà máy điện có công suất lớn chiếm nhiều diện tích đất mà chủ yếu xem xét tập trung theo hướng phát triển ứng dụng hệ thống pin mặt trời cho các tòa nhà (hộ gia đình, các tòa nhà chung cư, các trung tâm hành chính của thành phố).

Theo Sở Công Thương thành phố thì hiện đề án “Quy hoạch phát triển điện lực TP HCM giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035” quy hoạch điện mặt trời tại TP HCM có tổng công suất lắp đặt giai đoạn đến 2025 là khoảng 8,5MW và giai đoạn đến 2035 là khoảng 13,3MW.

 
Các tấm pin mặt trời lắp đặt nhà dân ở TP HCM (ảnh minh họa)

Hiện cơ chế hỗ trợ giá bán điện mặt trời nối lưới (quy mô lớn) có giá bán 2.086 đồng/kWh tương đương 9,35 UScents/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện mặt trời nối lưới. Theo quy định thì giá bán điện mặt trời nối lưới được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá đồng/USD. Và cơ chế hỗ trợ giá bán này chỉ có hiệu lực đến ngày 30/06/2019.

Đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà thì thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-meterring) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Theo đó trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp.

Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện 2.086 đồng/kWh tương đương 9,35 UScents/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Hằng năm, căn cứ vào tỉ giá, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo.

Dựa trên các phân tích định lượng và định tính về hiệu quả của chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà đối với TP HCM cho thấy, TP HCM có thể trở thành trung tâm và tiên phong trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Đồng thời, chương trình phát triển năng lượng mặt trời sẽ tận dụng các mái nhà (hiện chưa được sử dụng) vào các hoạt động kinh doanh, tạo thu nhập cho người dân thành phố. Qua đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân trong việc lắp đặt, bảo dưỡng và vận hành các hệ thống năng lượng mặt trời. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có được kinh nghiệm trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời mở rộng kinh doanh đến các địa phương khác trên cả nước.

Nguồn: Báo Mới

Tin liên quan
Sản phẩm
Giỏ hàng
0

Giỏ hàng: 0 mặt hàng

Tổng tiền:

Xem chi tiết

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1
  • Tháng hiện tại33313
  • Tổng lượt truy cập2049429
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây