Rộng cửa cho vay điện mặt trời áp mái

 15:42 29/10/2019

 Lượt xem: 1427

 

Đẩy mạnh cho vay các dự án điện năng lượng mặt trời áp mái là một trong những nội dung đáng chú ý trong chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam được Bộ Công thương khởi động mới đây.


 

Thúc đẩy sử dụng năng lượng Xanh…

Theo bà Phạm Thùy Dung, Cục Ðiện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), mục tiêu đến cuối năm 2025, 100.000 điện mặt trời">hệ thống điện mặt trời mái nhà, tương đương 1.000 MWp sẽ được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc. Bên cạnh những dự án năng lượng tái tạo lớn, việc thúc đẩy tư nhân tham gia lắp đặt và khai thác điện mặt trời áp mái là giải pháp hữu hiệu để tăng nguồn cung điện và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Việt Nam nhận được nhiều hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có dự án GET-FIT “Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam: Hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà” do Ngân hàng Tái thiết Ðức (KfW) tài trợ, với tổng mức vốn viện trợ không hoàn lại là 14,5 triệu euro.

“Ðối tượng được tài trợ là các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Cụ thể, các hộ gia đình điện mặt trời">lắp điện mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/1 kWp. Theo khảo sát, trung bình mỗi hộ có đủ điều kiện lắp đặt khoảng 2-3 kWp, tương ứng mức hỗ trợ dự kiến từ 6-9 triệu đồng/hộ, tức khoảng 15% chi phí lắp đặt. Chương trình này kéo dài tới năm 2021”, ông Dũng thông tin.

Với nhu cầu về điện dự kiến tăng 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2031, Việt Nam cần phải sản xuất 60.000 MW điện vào năm 2020, 96.500 MW vào năm 2025 và 129.500 MW vào năm 2030.

Bộ Công thương sẽ hỗ trợ các hộ gia đình lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, tương tự chương trình đã triển khai trước đây.

Các đơn vị điện lực thực hiện việc giám sát và EVN có nhiệm vụ thiết lập một hệ thống phần mềm để đảm bảo mọi hộ dân khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, ký kết xong hợp đồng mua bán điện sẽ được xuất hóa đơn, thông qua đó nhận tiền hỗ trợ. Tất cả những thông tin này sẽ được công khai, minh bạch.

Ngoài ra, các tổ chức, nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên minh Châu Âu (EU)… cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam về các hoạt động kỹ thuật, nghiên cứu xây dựng chính sách và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ… để khuyến khích phát triển năng lượng sạch một cách hiệu quả.

Trước đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 2023/QÐ-BCT ngày 5/7/2019 về Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo thống kê của EVN, tính đến 30/6/2019, có 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW được kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công.

Dự kiến, đến cuối năm 2019 sẽ đóng điện và đưa vào vận hành thêm 13 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 630 MW, nâng tổng số nhà máy điện mặt trời trong hệ thống lên con số 95 nhà máy.

Tuy nhiên, ngay cả khi các dự án trên được EVN mua điện với giá ưu đãi theo Quyết định 11/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì nguồn cung điện vẫn chưa đảm bảo sự ổn định, bù đắp được nhu cầu của nền kinh tế và khai thác được tối đa lợi thế tự nhiên để tái tạo năng lượng.

Do đó, việc khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp có mặt bằng áp mái, đặc biệt các khu công nghiệp phát triển điện mặt trời trên mái nhà để tự chủ động nguồn điện… càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa bền vững.

… Bằng chương trình ưu đãi tín dụng

Thực tế, với giá điện hộ gia đình tính theo mức bậc thang như hiện nay của EVN, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ giúp hộ gia đình được hưởng giá điện ở mức thấp nhất, qua đó tiết kiệm được chi phí.

Ðó là chưa kể trong trường hợp không sử dụng hết, người dân có thể bán lại cho EVN. Chính phủ đã có chính sách mua lại điện dư từ hệ thống năng lượng mặt trời với giá 2.134 đồng/kWh và trả tiền hàng tháng cho khách hàng.

Thêm một động lực để các doanh nghiệp chủ động trong việc lắp đặt và khai thác hệ thống điện áp mái là được các ngân hàng hỗ trợ về vốn thông qua các chương trình ưu đãi tín dụng.

Ðơn cử, HSBC Việt Nam phối hợp với CTCP Ðầu tư GIC đưa ra gói “tín dụng xanh” hỗ trợ khách hàng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Ðà Nẵng.

Ðáng chú ý, khoản vay có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay thông thường (phổ biến từ 11,99-12,99%/năm), kèm mức giảm giá sản phẩm trực tiếp từ GIC.

Ngoài ra, trong gói tín dụng trên, người đi vay còn được hưởng chiết khấu trực tiếp cho hệ thống điện năng lượng mặt trời của GIC với mức giảm 14% cho khách hàng Premier và 12% cho khách hàng cá nhân khác.

Ðây là một sản phẩm cho vay hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ năng lượng điện mặt trời cho các hộ gia đình tại Việt Nam.

Ông Phương Tiến Minh, Giám đốc toàn quốc Khối Ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản HSBC Việt Nam cho biết, sau gần 2 tháng triển khai, Ngân hàng đã giải ngân cho 3 khách hàng, tổng dư nợ đạt 250 triệu đồng.

Hiện nay, hầu như ngân hàng nào cũng có các gói cho vay điện mặt trời dành cho cả khách hàng pháp nhân và cá nhân. Chẳng hạn, tại HDBank, doanh nghiệp lắp đặt điện áp mái sẽ hưởng ưu đãi vốn vay với hạn mức 70% giá trị đầu tư dự án, thời hạn cho vay 5 năm.

Tài sản đảm bảo là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với mức tài trợ lên đến 10 tỷ đồng. Các hộ gia đình cũng có thể tiếp cận gói vay này tại HDBank với mức vay tối đa 200 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng.

Ngoài ra, HDBank có đối tác liên kết chuyên lắp đặt, thi công, bảo trì, bảo hành hệ thống điện áp mái để các doanh nghiệp, hộ dân thêm an tâm khi quyết định đầu tư điện áp mái.

Ðược biết, chỉ sau nửa năm triển khai, tổng dư nợ cho vay các dự án điện mặt trời áp mái tại HDBank đạt 300 tỷ đồng. Kế hoạch đến cuối năm nay, HDBank sẽ cấp 1.100 tỷ đồng vốn cho các dự án điện sạch trên mái nhà.

Ðại diện HDBank cho biết, chương trình này khẳng định định hướng của HDBank trong việc trở thành ngân hàng xanh, hướng tới những giá trị bền vững, giúp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng địa phương và quốc gia.

Mặc dù đang đẩy mạnh cho vay, song các nhà băng cũng cho biết, sẽ quy định điều kiện cho vay chặt chẽ do đặc tính của những khoản vay điện mặt trời là khoản vay trung và dài hạn – vốn có nguồn cung hạn chế.

Về giá, điều kiện để các doanh nghiệp làm điện mặt trời được hưởng giá bán 9,35 cent/kWh (mức giá cao so với nhiều nước khác) là phải có chứng chỉ vận hành thương mại (COD) trước ngày 30/6/2019.

“Khó khăn lớn nhất của nhiều dự án là khó tiếp cận được nguồn đất sạch. Tiếp đó là không phải dự án nào triển khai thì cũng được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Cuối cùng là việc bán điện. Sự bùng nổ của điện mặt trời sẽ khiến việc nâng cấp hạ tầng mạng lưới điện quốc gia trở nên cấp thiết. Nếu quá trình này không theo kịp tốc độ phát triển của điện mặt trời, các dự án có thể sẽ không được hòa lưới hoặc bị sa thải phụ tải, cho dù có hợp đồng mua bán điện (PPA). Khi đó, cả doanh nghiệp và ngân hàng có thể rơi vào bế tắc”, đại diện HSBC Việt Nam thông tin.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay4
  • Tháng hiện tại21161
  • Tổng lượt truy cập2485320
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây