23:27 20/09/2019
Lượt xem: 1270
Nhiều năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó khăn về nguồn vốn khi triển khai các dự án nguồn điện. Việc kêu gọi nhà đầu tư tư nhân vào các dự án điện BOT chưa được như mong đợi bởi nhiều nút thắt.
Nếu nhiệt điện Long Phú 1, nhiệt điện Sông Hậu, nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư không đi vào vận hành trước 2023, nếu không tăng nhập khẩu điện từ 2 tỷ KW lên 9 tỷ KW thì chắc chắn thiếu điện sẽ xảy ra.
Sự thực cho thấy, cũng khó có thể trông chờ vào EVN để đảm bảo không bị thiếu điện. Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2025 sở hữu nguồn của EVN sẽ giảm đi, không giữ ở mức 60% như hiện nay. Đến năm 2020, EVN chỉ còn sở hữu 50% nguồn phát điện, đến 2025 còn 35%, và 2030 còn 28%.
Nhiệt điện Long Phú 1 của PVN đang nằm dở dang vì nhà thầu Nga bị Mỹ cấm vận.
Như vậy, phần đảm bảo cấp điện hay không phụ thuộc nhiều vào tham gia của các thành phần bên ngoài.
Trong bối cảnh ấy, câu chuyện thu hút nhà đầu tư tư nhân vào các dự án điện mặt trời thời gian qua là bài học đáng tham khảo. Mức hấp dẫn của giá bán điện 2.086 đồng/số (áp dụng cho nhà máy vận hành trước tháng 7/2019) đã khiến nhiều chủ đầu tư chạy theo cơn sốt điện mặt trời.
Năm 2018 chỉ có 3 nhà máy điện đóng điện thành công. 3 tháng đầu năm 2019 thêm 5 nhà máy. Thế nhưng từ tháng 4 đến tháng 6 có tới 81 nhà máy đóng điện thành công vào hệ thống điện. Như vậy, chỉ riêng 6 tháng năm 2019, có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời lên tới gần 4.500 MW (trong khi công suất nguồn điện cả nước là 45.000 MW).
Với gần 90 nhà máy điện mặt trời, nếu tính toán trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng/nhà máy, thì chỉ trong một năm qua, đã có khoảng 90 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân rót vào lĩnh vực này.
Trong các tháng đầu năm 2019, nguồn điện mặt trời đã bổ sung tốt cho cung cấp điện.
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công suất tối đa điện mặt trời ghi nhận được của ngày 10/9/2019 là 3.519 MW. Sản lượng ngày tối đa phát ra là 25-26 triệu kWh, tương đương một nhà máy điện than 1.200MW như Vĩnh Tân 1, 2 hay Duyên Hải 1.
Đặc biệt vào các thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, tiêu thụ điện liên tục lập kỷ lục, nhiệt điện than chạy hết công suất, thủy điện cạn nước, thì lượng điện mặt trời đã giúp cho hệ thống đỡ phải chạy dầu với mức giá rất cao (từ 5.000-6.000 đồng/kWh).
Điện mặt trời thực sự trải qua một giai đoạn bùng nổ.
Một trong những giải pháp để tránh thiếu điện là cần thu hút thêm hàng chục nghìn MW năng lượng tái tạo từ nay đến 2023. Dù rằng, điện mặt trời phập phù, chỉ phát được ban ngày nhưng có vẫn hơn không.
Để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT (là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện mặt trời và 7.200MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023 (ưu tiên phát triển các dự án đã có quy hoạch và không bị ràng buộc lưới điện truyền tải).
Cần khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Đối với điện mặt trời mái nhà, EVN đề nghị duy trì cơ chế giá điện 2.086 đồng/kWh như hiện nay để khuyến khích đầu tư tối thiểu thêm 2.000MW.
Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia của ngành điện tính toán đến con số khác, là cần tới 35.000 MW năng lượng tái tạo, trong đó 2/3 là điện mặt trời, 1/3 là điện gió để tránh nỗi lo thiếu điện.
Nhưng làm thế nào để thu hút được hàng chục nghìn MW điện mặt trời, điện gió đầu tư? Nút thắt vẫn là giá. Nếu như điện gió đã có mức giá ưu đãi mới ở mức khá cao (1.928 đồng/kWh) thì cho đến thời điểm này, giá điện mặt trời sau 30/6 vẫn chưa được thông qua.
Phương án phân giá theo 4 vùng, 2 vùng, hay giữ nguyên chỉ 1 vùng đến giờ vẫn còn chưa ngã ngũ. Nếu mức giá chỉ là hơn 1.600 đồng/kWh như dự thảo mới nhất đưa ra, thì nhà đầu tư phải tính toán rất kỹ. Mặt khác, phương án 1 vùng giá dẫn đến lo ngại nhà đầu tư chỉ tập trung vào vùng bức xạ cao, tạo gánh nặng trong việc đầu tư đường dây truyền tải để hấp thụ lượng điện phát ra.
Trên thực tế, năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cụ thể là điện mặt trời, dù bùng nổ trong gần một năm trở lại đây, nhưng tỷ lệ vẫn còn khá thấp so với các nước trên thế giới (chưa đầy 2% sản lượng điện toàn hệ thống). Cho nên, dư địa để năng lượng tái tạo tiếp tục gia tăng còn rất nhiều.
Nhưng dù thế nào, so với thủy điện hay nhiệt điện, giá điện mặt trời đến tay người tiêu dùng vẫn cao hơn đáng kể, thậm chí gấp đôi, gấp ba nếu tính đủ các chi phí. Do đó, cùng với việc gia tăng nguồn điện tái tạo, thì mức giá bán điện đến tay người tiêu dùng như thế nào cũng là vấn đề phải suy nghĩ.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương):
Để điện mặt trời hay năng lượng tái tạo phát huy hết hiệu quả, tránh tình trạng sản xuất ra không có lưới truyền tải, hệ thống lưu trữ đóng vai trò rất quan trọng. Sự phát triển hệ thống lưu trữ điện gió, điện mặt trời hiện nay còn đắt, nhiều vấn đề. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường và giá cả hợp lý.
Nguồn: Vietnamnet.vn