Năm 2020 dự kiến huy động 8,6 tỷ kWh điện dầu: Dầu đâu để đổ, tiền đâu để bù?

 08:30 18/11/2019

 Lượt xem: 1245

 

Trước thực trạng nhiều nguồn điện không được đưa vào hoạt động đúng dự tính, khả năng năm 2020 phải huy động tới 8,6 tỷ kWh điện chạy dầu và số tiền mà EVN thụt két lên ít nhất là 14.000 tỷ đồng.
Nhà máy Điện Cà Mau sử dụng khí, song đã phải phát điện chạy dầu trong vài tháng mùa khô. Ảnh: T.H
 
Huy động điện dầu lớn nhất lịch sử

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát ra thông báo về thực trạng cấp điện trong những tháng cuối năm 2019 và dự kiến năm 2020 với tình hình không mấy khả quan, như đã từng liên tục cảnh báo trước đó.

Theo đó, trong tình hình nhu cầu sử dụng điện đến cuối năm tiếp tục tăng cao, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm, EVN đã phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Thực tế, đến nay, mực nước tại nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc bộ và Trung bộ thấp hơn rất nhiều so với năm 2018, khiến tổng sản lượng điện huy động từ thủy điện 2 tháng cuối năm dự kiến chỉ đạt 10,6 tỷ kWh, thấp hơn 2,4 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Ước tính cả năm 2019, tổng sản lượng thủy điện chỉ đạt 65,3 tỷ kWh, giảm 9,9 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Cùng với câu chuyện thiếu nước, thì cung ứng than cho phát điện cũng đang gặp nhiều khó khăn, khi nguồn khí trong nước suy giảm, các nguồn năng lượng tái tạo dù có công suất lớn, nhưng thực tế huy động điện được rất thấp, nên cũng gây thêm khó khăn cho yêu cầu cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trước thực tế đó, EVN đã tập trung huy động cao sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời huy động cả những nguồn điện chạy dầu giá cao. Tổng sản lượng nhiệt điện dầu đã phải huy động trong tháng 10 vào khoảng 400 triệu kWh và khai thác từ nay đến cuối năm có thể lên đến 1,45 tỷ kWh. Lũy kế cả năm 2019, tổng sản lượng dầu dự kiến huy động là 2,57 tỷ kWh.

Dầu đâu để đổ, tiền đâu để bù?

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, con số 8,6 tỷ kWh điện chạy dầu được lên kế hoạch huy động trong năm 2020 là phương án thấp nhất và hạnh phúc nhất. Các phương án xấu nhất cũng đã được ngành điện tính toán và cho ra thông số phải huy động từ 12 đến 16 tỷ kWh điện chạy dầu để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế.

EVN đã huy động khoảng 400 MW điện dầu trong tháng 10, song các chuyên gia hệ thống cho hay, khi nâng sản lượng điện dầu huy động lên 500 - 700 triệu kWh/tháng thì đã bắt đầu gặp những thách thức không nhỏ.

“Chúng tôi khá lo lắng với các tính toán về nguồn điện dầu phải huy động, bởi nếu nắng nóng đột biến, việc chạy dầu dự kiến cao vậy cũng khiến khó vận hành liên tục các tổ máy, chưa kể nguồn dầu có đáp ứng đủ cho việc huy động bất cứ lúc nào không”, một chuyên gia hệ thống điện cho hay.

Theo kế hoạch, trong tháng 1/2020, hệ thống có thể chưa phải huy động nguồn điện chạy dầu, nhưng từ cuối tháng 2/2020 sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng. Cao điểm của hệ thống điện Việt Nam được tính toán rơi vào tháng 4 và tháng 5 hàng năm. Đây là thời điểm các hồ thủy điện cạn kiệt, thời tiết nắng nóng gay gắt nhất ở miền Nam bởi mùa mưa chưa đến, trong khi khả năng truyền tải điện từ Bắc và Nam không thể tăng thêm.

Đứng trước thực tế phải huy động điện dầu lớn, câu hỏi được những người am hiểu hệ thống điện đặt ra hiện nay là “dầu đâu để sẵn sàng chạy máy” và “nếu chạy điện dầu lớn thì nguồn tiền nào sẽ được bỏ ra để bù đắp chênh lệch giữa giá mua điện chạy dầu và giá bán điện cho nền kinh tế?”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil cho hay, trên thực tế, các nhà máy điện khí đều có bể dự trữ dầu để khi cần có thể chuyển sang chạy dầu. Có những nhà máy điện đã ngỏ lời sẵn sàng cho các đầu mối xăng dầu thuê kho chứa dầu không thời hạn, bởi họ không muốn bỏ ra khoản tiền rất lớn để mua dầu dự trữ mà chưa biết chính xác lúc nào cần huy động điện chạy dầu. Chưa kể, mua dầu dự trữ cũng rất rủi ro, bởi không biết giá sẽ tăng hay giảm.

Ở góc độ là nhà cung cấp xăng dầu lớn, ông Dương cho hay, thiết kế của đa phần các nhà máy điện chỉ có một chiều nhập dầu, chứ không có chiều xuất nếu thừa. Vì thế, có thuê kho chứa dầu của các nhà máy điện thì cũng chỉ để dùng cho các nhà máy, chứ không thể xuất ngược trở lại thị trường khi họ không dùng tới. Ngoài ra, do tỷ lệ vốn nhà nước tại một số đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PV Oil vẫn ở mức chi phối, nên việc thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm giá dầu cũng không dễ như doanh nghiệp tư nhân.

Đáng nói là, với dự kiến 8,6 tỷ kWh điện chạy dầu, lượng dầu cần thiết được tính toán là hơn 2 triệu m3, bao gồm khoảng 65% là dầu FO. Với lượng dầu lớn này, việc trông chờ các đầu mối tư nhân (có linh hoạt hơn về giá và điều khoản mua bán) cung cấp dầu cũng không dễ, bởi bị giới hạn về năng lực vận tải.

Chưa kể, đa phần các nhà máy được lên kế hoạch huy động chạy dầu đều nằm ở khu vực miền Tây, nơi có hạ tầng giao thông khá xấu, khiến việc vận chuyển dầu bằng xe bồn sẽ là thách thức không nhỏ nếu không có kế hoạch sớm.

Một vấn đề khác được đặt ra là, khi huy động lượng điện chạy dầu lớn lên tới 8,6 tỷ kWh điện, nếu tính giá điện chạy dầu dễ chịu nhất là 3.500 đồng/kWh, thì phần chênh lệch giữa giá mua điện chạy dầu và giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.846 đồng/kWh, EVN sẽ phải đội chênh lệch lên ít nhất 14.000 tỷ đồng.

Với thực tế, EVN đang phải gánh chênh lệch chi phí cho điện mặt trời khi huy động trên hệ thống với mức bù giá mua điện và giá bán lẻ điện bình quân 4 - 5 tỷ đồng/ngày (khoảng 1.500 tỷ đồng/năm), hay thực tế giá than, giá khí đều đã theo giá quốc tế, thì không khó nhận thấy  thách thức lớn về tài chính đối với EVN.

Nếu không có giải pháp về tài chính để bù đắp chi phí bỏ ra mua điện các nguồn có giá cao như điện mặt trời, điện dầu, trong khi tỷ trọng các nguồn điện giá thấp như thủy điện, nhiệt điện than ngày càng giảm, thì việc cấp điện ổn định cho cả nền kinh tế sẽ chỉ là lời kêu gọi và yêu cầu trên lý thuyết.

Tổng sản lượng nhiệt điện dầu đã phải huy động trong tháng 10/2019 là 400 triệu kWh, bao gồm các tổ máy của Ô Môn 1, Cà Mau, Thủ Đức, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 1, Bà Rịa, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 để đáp ứng phụ tải và tích nước thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2020 và cấp điện mùa khô 2020.

Lũy kế cả năm 2019, tổng sản lượng dầu dự kiến sẽ huy động là 2,57 tỷ kWh.
Thanh Hương - baodautu.vn
Tin liên quan
Sản phẩm
Giỏ hàng
0

Giỏ hàng: 0 mặt hàng

Tổng tiền:

Xem chi tiết

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1
  • Tháng hiện tại34139
  • Tổng lượt truy cập2010489
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây