Hóa giải bài toán thiếu điện

 14:20 02/01/2020

 Lượt xem: 1166

 

Tái khẳng định yêu cầu không để thiếu điện tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chỉ đạo, điện luôn phải đi trước một bước, nhưng phải ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường.


 

Thiếu điện do nhiều dự án chậm tiến độ

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, ngành năng lượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề cung cấp khí, cung cấp dầu phát điện. Nguyên nhân chính là thủy điện – nguồn điện chủ lực lâu nay của Việt Nam đang gặp bất lợi bởi tình hình thủy văn không ủng hộ; nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư xây dựng nhưng còn tắc trong việc giải tỏa công suất do thiếu hệ thống truyền tải.

Theo ông Ngãi, về cung cấp khí, hiện nguồn cung khí cho phát điện từ khí đốt là thành phần quan trọng với tỷ lệ tham gia trong cơ cấu nguồn phát là khoảng 13% về công suất, 18% về sản lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn khí trong nước suy giảm và dự báo còn tiếp tục suy giảm thời gian tới. Tiến độ triển khai các Dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh chậm hơn so với dự kiến. “Việc phát triển các dự án khí LNG rất phức tạp, cần phải đồng bộ giữa các khâu, trong khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Trong Quy hoạch điện VIII cần tính toán nhu cầu cần thiết trong mối quan hệ với các Dự án nhiệt điện khí Lô B, Cá Voi Xanh, các nhà máy điện than để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực”, ông Ngãi đề nghị.

Về cung cấp dầu, những năm tới, các dự án nguồn điện than chậm đi vào hoạt động nên sẽ tăng cường huy động nguồn này. EVN cần tính toán kỹ phương án nhập nhằm tránh tình trạng tăng giá điện đột xuất.

Trước tình trạng hàng loạt dự án điện trong Quy hoạch điện VII chậm tiến độ từ 2 – 4 năm, ông Ngãi nhận định: “Trong 5 năm tới, thiếu điện là đương nhiên”. Do đó, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục phát triển nhiệt điện than – nguồn điện cốt lõi, trụ cột cho đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. “Nhiệt điện than bây giờ đã khác nhiệt điện than trước đây. Các nhà máy đều sử dụng công nghệ lò siêu tới hạn nên hạn chế được ô nhiễm môi trường. Xỉ than đốt trong lò gần như hết các khí độc hại nên không lo ngại khi xây dựng nhiều dự án nhiệt điện than trong thời gian tới”, ông Ngãi phân tích.

Phát triển nhiệt điện than phải gắn với bảo vệ môi trường

Để đảm bảo cung ứng điện, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, năm tới, Việt Nam sẽ nhập khẩu điện tương đương lượng nhập của năm 2019 là khoảng 2,1 tỷ kWh từ Trung Quốc và hơn 1 tỷ kWh từ Lào… Đặc biệt, Việt Nam sẽ phải huy động tới gần 3,4 tỷ kWh điện từ nguồn chạy dầu với giá thành cao.

Đã có những tính toán cho rằng, với tổng lượng điện thương phẩm năm 2019 là trên 200 tỷ kWh, lượng điện thương phẩm nhập khẩu thấp hơn nhiều so với kế hoạch nhập khẩu 3% vào năm 2020. Câu hỏi đặt ra là tại sao không tăng lượng điện nhập khẩu lên khoảng vài tỷ kWh tương đương mức 3% trong kế hoạch thay vì phải huy động điện chạy dầu vừa có giá thành cao lại tăng phát thải ra môi trường?

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia lĩnh vực điện cho rằng, để nhập khẩu điện không đơn giản vì cần có thời gian xây dựng hệ thống đường dây đấu nối, vốn đầu tư…

Liên quan đến đề xuất phát triển nhiệt điện than, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần phải ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Đối với các dự án điện than, nếu phát triển thêm có thể sẽ nhận phản ứng trái chiều từ dư luận. Bảo vệ môi trường cũng là nhiệm vụ của ngành công thương chứ không riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Những dự án năng lượng tái tạo hiện nay ở Ninh Thuận, Bình Thuận chưa giải tỏa được công suất, cần thiết thí điểm cho tư nhân làm cả đường dây truyền tải”, Thủ tướng gợi ý.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết khắc phục các tồn tại để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, không để xảy ra thiếu điện. Trước mắt, tập trung hoàn thành Quy hoạch điện VIII, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, bảo đảm cân đối nguồn và lưới điện. Tích cực phối hợp cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giải quyết vướng mắc cho các dự án điện đang triển khai, đưa các dự án này sớm đi vào hoạt động.

Nguồn: Báo Đấu Thầu

Tin liên quan
Sản phẩm
Giỏ hàng
0

Giỏ hàng: 0 mặt hàng

Tổng tiền:

Xem chi tiết

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay565
  • Tháng hiện tại34119
  • Tổng lượt truy cập2010469
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây