GWEC kiến nghị Việt Nam gia hạn giá ưu đãi cho điện gió

 20:24 09/09/2021

 Lượt xem: 1044

 

Theo GWEC, gia hạn giá FIT thêm 6 tháng cho các dự án điện gió sau ngày 31/10 năm nay sẽ tránh rủi ro cho gần 7 tỷ USD đã rót vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Đề nghị trên được Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) nêu trong thông cáo phát đi ngày 9/9. Theo GWEC, việc gia hạn giá ưu đãi cố định (FIT) cho các dự án điện gió thêm 6 tháng sẽ là giải pháp hỗ trợ cho ngành điện gió trước bối cảnh bị tác động lớn vì dịch Covid-19 thời gian qua.

"Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm 6 tháng, tới tháng 4/2022 với các dự án điện gió đã đầu tư ở mức độ nhất định, nhưng do tác động của Covid-19 không thể hoàn thành thi công đúng kế hoạch", lãnh đạo GWEC kiến nghị.

Hội đồng này phân tích, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành hạn chót, trước ngày 1/11/2021 để được hưởng giá FIT cố định trong 20 năm (9,8 cent một kWh với dự án điện gió trên biển và 8,5 cent một kWh với dự án trên bờ, theo quyết định 39) do những trở ngại và đình trệ của đại dịch.

Thực tế, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phía Nam nơi tập trung phần lớn các dự án điện gió, đã gây ra không ít khó khăn cho các nhà đầu tư trong kế hoạch "chạy nước rút" để kịp vận hành trước 1/11 năm nay. Covid-19 khiến tắc nghẽn chuỗi cung ứng trang thiết bị điện gió, hạn chế di chuyển của nhân công, chuyên gia kỹ thuật nước ngoài... nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thi công các dự án điện gió.

GWEC ước tính, khoảng 4.000 MW dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang thi công để chuẩn bị vận hành thương mại (COD) có nguy cơ lỡ thời hạn FIT vì Covid-19. Hậu quả, theo GWEC, khoản đầu tư khoảng 6,7 tỷ USD vào loại năng lượng này (hơn 6,5 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời các dự án) và gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.

Dự án điện gió 7A là một trong số 3 dự án hoàn thành xong thử nghiệm, vận hành thương mại trong tháng 8. Ảnh: EVN

Dự án điện gió 7A là một trong số 3 dự án hoàn thành xong thử nghiệm, vận hành thương mại trong tháng 8. Ảnh: EVN

Gia hạn thêm thời gian áp dụng giá FIT với các dự án đủ điều kiện, theo GWEC là biện pháp hoàn toàn phù hợp thông lệ quốc tế về cứu trợ trong đại dịch cho ngành điện gió. Chẳng hạn, tháng 5/2020, Mỹ đã gia hạn một năm cho các dự án điện gió để hoàn thành và hưởng ưu đãi tín dụng thuế. Còn Ấn Độ, tháng 6 năm ngoái cũng giãn thời hạn vận hành thương mại thêm 2,5 tháng với các dự án năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động của các biện pháp phong tỏa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6.

Với Việt Nam, ông Ben Blackwell - Chủ tịch GWEC cho rằng, các biện pháp hỗ trợ tương tự rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp điện gió trên bờ còn non trẻ, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, các dự án điện gió sẽ không thể tiếp tục và có khả năng tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC nói thêm, Việt Nam là một trong những thị trường điện gió có tiềm năng lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cực kỳ quan trọng cho ngành điện gió trên bờ, với tổng công suất đã vượt 500 MW tính đến hết năm 2020. Chính phủ cần lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT để tạo điều kiện cho 4.000 MW dự án điện gió có hiệu quả kinh tế và khả năng hiện thực hoá hoàn thành trong thời hạn hợp lý.

"Đây không phải là vấn đề nhỏ, vì nếu mất đi khối lượng dự án điện gió này cũng đồng nghĩa giáng một đòn mạnh vào môi trường đầu tư năng lượng tái tạo và hậu quả là một chu kỳ "phá sản" mà thị trường điện gió Việt Nam có thể mất nhiều năm để phục hồi", Mark Hutchinson nhấn mạnh.

Quyết định lùi thời hạn áp dụng giá FIT không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ, mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai. Khi những dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên đang dần tiến tới mốc đóng tài chính dự án, các nhà đầu tư quốc tế cũng hồi hộp dõi theo các dự án điện gió trên bờ đang gặp rủi ro sẽ vượt qua những thách thức từ đại dịch như thế nào.

Trước đó, đầu tháng 8 nhiều địa phương như Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh cũng có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị gia hạn giá ưu đãi cho các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước 1/11/2021 vì Covid-19. Các tỉnh đề xuất gia hạn thêm lần lượt đến hết năm 2022, quý I/2022 hoặc hết tháng 4/2022.

Số liệu của EVN cho thấy, có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD, với tổng công suất 5.655,5 MW. Trong tháng 8 chỉ có 3 dự án với 12 tuabin gió được công nhận COD, công suất 48,8 MW. Luỹ kế 8 tháng, có 24 nhà máy điện gió được vận hành thương mại, tổng công suất 963 MW.

Theo quyết định 39, các dự án không kịp vận hành thương mại trước 1/11 sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, và có thể phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá. Hiện Bộ Công Thương vẫn trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.

Nguon: vnexpress.net - Anh Minh 

Tin liên quan
Sản phẩm
Giỏ hàng
0

Giỏ hàng: 0 mặt hàng

Tổng tiền:

Xem chi tiết

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay134
  • Tháng hiện tại20772
  • Tổng lượt truy cập1997122
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây