Đua lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng

 04:39 19/09/2020

 Lượt xem: 1072

 

Các đơn vị sản xuất đang đẩy mạnh đầu tư lắp điện mặt trời áp mái để vừa tiết kiệm chi phí năng lượng vừa 'làm đẹp' cho thương hiệu.

Ngày 16/7, Tổng công ty Sonadezi tuyên bố hợp tác với Nami Solar để lắp đặt các hệ thống điện mặt trời. Cả hai kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 50 MWp điện mặt trời áp mái trong tương lai.

Đầu tháng này, Cảng Đồng Nai cũng đã đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 1 MWp. Hay như Tân Can Can - một công ty chuyên cho thuê nhà xưởng đang cho đối tác lắp hệ thống điện mặt trời trên mái hạ tầng của mình ở Khu Công Nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) với tổng công suất 2,5 MWp. Dự kiến, hệ thống của công ty sẽ đi vào vận hành vào tháng 8/2020.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ tháng 6/2020 đến nay, hai nhà phát triển khu công nghiệp là Sonadezi Long Thành và Sonadezi Châu Đức cũng bắt đầu khởi công và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái.

​​​​​Một góc hệ thống điện mặt trời áp mái tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Nami Solar

Tại TP HCM, Tổng Công ty Việt Thắng cũng vừa quyết định cho phủ pin mặt trời lên nóc nhà xưởng của mình. Các khu nhà xưởng đầu tiên sẽ được khởi công và hoàn thiện từ nay đến cuối tháng 9. Tổng công suất tiềm năng điện mặt trời áp mái của Việt Thắng là 10 MWp. Tùy đặc thù từng công trình cụ thể, điện sẽ được dùng tại chỗ, ví dụ như xưởng dệt, hay bán lại cho điện lưới như trên mái nhà kho.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 8/7, đã có 37.300 hệ thống điện mặt trời trên mái nhà được lắp đặt, với tổng công suất đạt khoảng 782 MWp. Chỉ riêng 21 tỉnh thành phía Nam (chiếm 50,73% công suất lắp đặt toàn hệ thống) đã có 17.148 khách hàng đặt điện mặt trời trên mái nhà, với khoảng 3.000 khách hàng là công ty lắp đặt cho nhà xưởng, văn phòng.

Điện mặt trời trên các nhà xưởng sản xuất được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Bản thân Nami Solar, đơn vị trực tiếp lắp đặt các hệ thống điện mặt trời chuyên phân khúc quy mô từ 4.000-5.000 m2 mỗi dự án, dù chỉ mới có 3 dự án với tổng công suất 4,5 MWp nhưng đã đặt kỳ vọng khá lớn.

Theo đó, tới cuối năm 2020, công ty dự kiến vận hành thương mại các dự án năng lượng mặt trời áp mái với công suất 20 MWp và đưa 100 MWp vào danh mục tiềm năng. Công suất ước tính của các dự án điện mặt trời áp mái của công ty dự kiến đạt ít nhất 150 MWp vào cuối năm 2022.

Ngoài việc các đơn vị sôi nổi triển khai nhanh để sớm đóng điện trước khi năm 2020 kết thúc nhằm được hưởng giá bán điện tốt hơn mức giá mới của giai đoạn sau, các chuyên gia cho rằng, điện mặt trời áp mái phân khúc nhà xưởng có nhiều lý do khác để phát triển dài hạn.

Đầu tiên, chi phí cho suất đầu tư điện mặt trời giờ đang giảm nhanh, nhất là trong 3-4 năm trở lại đây. Nếu vào năm 2013, mỗi kWp điện mặt trời tốn 60-70 triệu đồng đầu tư thì nay con số đã giảm 80%. Thậm chí, chi phí sản xuất điện mặt trời hiện cũng được đánh giá là rất cạnh tranh, cả với điện than.

Thứ hai, các doanh nghiệp lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng hầu hết muốn tiết kiệm chi phí tiêu thụ năng lượng. Theo một chuyên gia kỹ thuật, mỗi MW điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 30-40% chi phí điện năng so với trước.

Thông thường, các doanh nghiệp có lắp điện mặt trời áp mái sẽ cân đối sản lượng giữa dùng tại chỗ và bán lại cho điện lưới ở mức 70% và 30%. Riêng với Việt Thắng, tỷ lệ này dao động tầm 80% và 20% do đặc thù nhu cầu dùng điện cao.

"Chúng tôi cũng được hưởng lợi là nhiệt độ nhà xưởng sẽ giảm đi", ông Nguyễn Đức Khiêm, Chủ tịch Việt Thắng nói thêm về lợi ích gián tiếp. Ngoài ra, với các doanh nghiệp không có nhu cầu dùng điện cao thì cho thuê phần mái để công ty điện mặt trời lắp và bán điện cho EVN.

Một lý do khác nhưng được xem là động lực dài hạn cho điện mặt trời áp mái nhà xưởng là nhu cầu xây dựng thương hiệu để làm ăn với đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp cho biết, quan tâm đến năng lượng xanh, bền vững đang là yếu tố ngày một quan trọng với những doanh nghiệp muốn bán hàng đi Âu Mỹ. Ông Trần Thanh Hải cho hay, lắp điện mặt trời áp mái cũng giúp thu hút đầu tư hơn vào các khu công nghiệp của tổng công ty.

Ông Lưu Hoàng Hà, Chủ tịch Nami Solar cũng nhận định, hiện nay, xu hướng tiêu dùng trên thế giới đang rất ủng hộ các sản phẩm được sản xuất dùng nguồn năng lượng xanh, sạch. Thậm chí, một số tập đoàn lớn còn có chỉ tiêu bắt buộc một lượng điện nhất định phải là điện sạch.

Cũng theo ông Hà, hiện tại những ngành như dệt may, da giày hay xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ có động lực hơn về lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà xưởng, do tiêu chuẩn xuất khẩu của đối tác thường có các yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

"Xu hướng hiện giờ là phát triển công nghiệp phải đi kèm với tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trong đó, năng lượng mặt trời là xu thế" ông Trần Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Sonadezi nói thêm.

Ở góc độ an toàn kỹ thuật, các nhà xưởng xây đúng tiêu chuẩn hiện nay có khả năng chịu được tải trọng các tấm pin lắp trên mái. "Mỗi dự án triển khai chúng tôi đều mua bảo hiểm cho tài sản nhà xưởng của khách hàng bên dưới", ông Hà khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi, việc phát triển điện mặt trời áp mái cũng còn một số vấn đề chưa hoàn thiện. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc EVN Miền Nam cho biết, hiện cơ quan quản lý chưa ban hành bộ tiêu chuẩn của các thiết bị chính cũng như chưa công bố các thiết bị, nhà cung cấp đạt chất lượng. Điều này khiến bức tranh thị trường giải pháp còn phức tạp về chất lượng.

Thực tế, giá cho các suất đầu tư mỗi MWp mà các nhà cung cấp chào hàng đang có thể chênh lệch nhau đến 50%. "Chúng tôi từng chứng kiến những dự án chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động là bắt đầu có bộ phận bị hỏng hóc", Ông Nguyễn Thượng Quân, Giám đốc công ty Sao Nam cho biết.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp chần chừ trong việc lắp điện mặt trời áp mái nhà xưởng vì không rõ phải xử lý các tấm pin sau thời gian hết hạn sử dụng thế nào để đảm bảo an toàn cho môi trường.

Ngay cả với Sonadezi, dù đã mạnh dạn làm điện mặt trời nhưng cũng quan tâm vấn đề này. "Chúng tôi có đề nghị đối tác triển khai lưu ý thêm việc bảo trì bảo dưỡng làm sao thuận lợi nhất cho hoạt động của nhà máy. Ngoài ra, hết vòng đời tấm pin thì việc xử lý rác thải thế nào cho hợp chuẩn quy định cũng cần quan tâm đúng mức", ông Trần Thanh Hải nói.

Đầu tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, hiệu lực từ 22/5. Ông Nguyễn Văn Lý đánh giá đây là một "cú hích" tạo đà phát triển cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, cụ thể khuyến khích ra sao thì chưa có. Do vậy, các doanh nghiệp đều đang chờ thông tư hướng dẫn Quyết định số 13 của Bộ Công thương.

Tin liên quan
Sản phẩm
Giỏ hàng
0

Giỏ hàng: 0 mặt hàng

Tổng tiền:

Xem chi tiết

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay261
  • Tháng hiện tại20899
  • Tổng lượt truy cập1997249
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây