21:45 16/09/2019
Lượt xem: 1636
Các chuyên gia nhận định nhiều doanh nghiệp Việt chưa hào hứng tham gia mô hình điện mặt trời áp mái vì suất đầu tư lớn trong khi chính sách giá mua điện mới vẫn chưa rõ ràng.
Ngày 16/9, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức lễ khánh thành hệ thống điện mặt trời áp mái công nghiệp thí điểm tại nhà máy Công ty Cát Tường ở Long An. Đây là một phần trong chuỗi chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam do Bộ Công Thương phát động vào tháng 7 với sự hỗ trợ từ Chính phủ Đức.
Phát biểu tại buỗi lễ, Giám đốc Dự án Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ Ingmar Stelter nêu thực trạng nhiều dự án điện mặt trời hiện tập trung với mật độ dày đặc tại một số khu vực như Bình Thuận, Ninh Thuận gây ra hiện tượng quá tải công suất của lưới điện truyền tải. Ông Stelter cho rằng việc phát triển điện mặt trời áp mái là lời giải quan trọng cho bài toán sản xuất điện đáp ứng chính nhu cầu tại chỗ của người tiêu thụ.
Sau khoản viện trợ không hoàn lại 14,5 triệu euro (khoảng 375 tỷ đồng) để Bộ Công Thương thực hiện dự án hỗ trợ các hộ gia đình trên toàn quốc lắp điện mặt trời áp mái, phía Đức kỳ vọng dự án điện mặt trời áp mái thí điểm ở Long An sẽ thúc đẩy mục tiêu hỗ trợ phát triển điện mặt trời trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Hồng Giang, Giám đốc Tiếp thị của Công ty Tona Syntegra Solar, doanh nghiệp hợp tác với Công ty Cát Tường để phát triển dự án, cho biết chi phí đầu tư lớn hiện là nguyên nhân khiến điện mặt trời áp mái công nghiệp chưa thể phát triển nhanh như với hộ gia đình.
Dự án điện mặt trời áp mái công nghiệp thí điểm lắp đặt tại Long An dưới sự hỗ trợ của GIZ. Ảnh: GIZ. |
"Với các gia đình, suất đầu tư có thể không quá lớn. Nhưng đối với doanh nghiệp, đây là con số lớn. Chi phí đầu tư 1 MW điện mặt trời áp mái khoảng 700.000 USD. Một doanh nghiệp không có quá nhiều thông tin, không thật sự am hiểu lĩnh vực này sẽ thấy đây là khoản đầu tư rủi ro", bà Giang nói.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Công ty Cát Tường, cũng đánh giá nhiều doanh nghiệp vẫn cân nhắc giữa việc bỏ chi phí mua điện của EVN và đầu tư lớn cho điện mặt trời áp mái.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác đến từ việc doanh nghiệp tự sở hữu hay đi thuê nhà xưởng vì trong trường hợp thuê lại, mái nhà không thuộc quyền sở hữu của họ.
Chịu suất đầu tư lớn, nhưng bà Giang khẳng định điện mặt trời áp mái ngoài ý nghĩa về môi trường còn đem lại hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp khi thời gian hoàn vốn kéo dài 5-6 năm với tỷ suất hoàn vốn 17-19%/năm.
"Đây là con số chung tính toán trên sản lượng điện tạo ra, giá điện hiện tại của Việt Nam, hiệu suất giảm dần của hệ thống cộng với cả dự đoán về mức tăng giá điện hàng năm. Sau thời gian đó, hệ thống năng lượng mặt trời sẽ bắt đầu sinh lời. Kinh nghiệm thế giới cũng chứng minh sau 25 năm, hệ thống vẫn chạy tốt với 80% công suất. Nó sẽ hoạt động trên 30 năm chứ không chỉ 20-25 năm", đại diện Tona Syntegra Solar cho hay.
Đánh giá tiềm năng thị trường điện mặt trời áp mái công nghiệp ở Việt Nam trị giá hàng tỷ USD, bà Giang chia sẻ nếu Bộ Công Thương sớm đưa ra giá mua điện mặt trời mới rõ ràng, mô hình này sẽ phát triển nhanh hơn nữa.
Đồng quan điểm, ông Hưng cho biết: "Rào cản lớn nhất hiện tại về chính sách là Bộ Công Thương và EVN chưa chốt giá mua điện mới ngày sau 30/6 (giá mua điện mặt trời trước 30/6 là 9,35 cents/kWh - PV). Chủ đầu tư có sẵn mái nhà và nguồn lực quan ngại nhất điều này".
Video Bỏ 123 triệu lắp điện mặt trời ở Sài Gòn, thừa bán lại cho EVN