Đổ xô lắp điện mặt trời mái nhà để hưởng giá cao

 14:26 02/09/2020

 Lượt xem: 1530

 

Điện mặt trời mái nhà được khuyến khích phát triển với mức giá ưu đãi. Nhiều người đang đổ xô đầu tư làm điện mặt trời mái nhà để hưởng giá cao.

Quyết định 13/2020 của Thủ tướng quy định giá mua điện mặt trời mái nhà 8,38 UScents/KWh (khoảng 1.943 đồng) cao hơn so với các loại điện mặt trời khác đã tạo nên "cơn sốt" lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, quy định thế nào là mái nhà lại chưa rõ ràng và đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương. Trong khi đó, một số nhà đầu tư đang đổ xô làm điện mặt trời mái nhà, nhưng với quy mô lớn để hưởng lợi từ mức giá cao.

Đổ xô lắp điện mặt trời mái nhà

Kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng, mỗi tháng gia đình anh Phạm Hùng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trung bình sử dụng hết gần 2 triệu đồng tiền điện. Hơn một năm trước, anh đã quyết định đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất 6 kWp, hết khoảng 135 triệu đồng.

Trung bình mỗi ngày, hệ thống điện mặt trời mái nhà của gia đình anh sản sinh khoảng 30 kWh điện. "Mỗi tháng số tiền điện nhà tôi đã giảm khoảng 50% so với trước, vừa tiết kiệm nay lại có dư thừa để bán lại cho EVN", anh Hùng khoe.

Nhận thấy lợi ích từ nguồn năng lượng này, gia đình chị Huỳnh Như (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đang tìm hiểu để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Theo chị Như, chỉ trong vài tháng trở lại đây khu vực gần nhà chị đã có gần chục gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời này.

Ông Khúc Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Điện mặt trời Miền Bắc, nhận định nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong 4 tháng gần đây tăng rất mạnh. Tính từ khoảng giữa năm đến nay, tổng công suất lắp đặt mà công ty ông cung cấp đã đạt hơn 9 MW.

"Trong đó, các dự án 1 MW được khách đầu tư nhiều. Từ nay đến cuối năm, công ty tôi dự kiến lắp đặt khoảng 16 MW nữa và có khả năng sẽ tăng thêm", ông Trường chia sẻ.

do xo lap dien mat troi mai nha de huong gia caođiện mặt trời mái nhà để hưởng giá cao" />
Chính sách giá điện mới tại Quyết định 13 của Chính phủ đang khiến loại hình năng lượng điện mặt trời mái nhà nở rộ trên khắp cả nước. Ảnh: Khúc Xuân Trường.

"Khách hàng của công ty không chỉ là hộ gia đình mà nhiều nhà xưởng, khách sạn có diện tích mái lớn cũng tranh thủ lắp đặt điện mặt trời mái nhà", vị đại diện chia sẻ.

Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn, đầu tư vào điện mặt trời mái nhà đã tăng nhanh đáng kể. Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 26/8 cả nước đã có 46.042 hệ thống điện mặt trời mái nhà được phát triển với công suất 1.060 MWp, sản lượng đạt khoảng 500.692 MWh. Tổng số tiền điện mà Tập đoàn đã thanh toán cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tính đến cuối tháng 7 là 374,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo khảo sát, hiện có rất nhiều lời chào mời hợp tác làm hệ thống điện mặt trời áp mái trên các nhà máy, xưởng sản xuất, đầm tôm hoặc trên ao nuôi cá... để được hưởng giá điện mặt trời mái nhà.

Một quảng cáo rao: “Sang nhượng gấp nông trại điện mặt trời công suất 5 MW tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với giá công khai 19 tỷ đồng/MW, sinh lời 3,8 tỷ đồng/năm, thời gian hoàn vốn 5 năm, tính cả gốc lẫn lãi, còn 15 năm tiếp theo bên mua lại sinh lời siêu lớn. Khách hàng mua lại trang trại bằng nguồn vốn tự có thì có thể sinh lời từ năm đầu tiên”.

Đó là lời chào mời công khai với các thông tin cụ thể cùng hình ảnh minh họa kèm theo cho dự án điện mặt trời mái nhà, bên dưới là khu vườn trồng cây đinh lăng được rao bán trên các trang mạng xã hội trong tháng 6 vừa qua.

Nhiều băn khoăn về điện mặt trời mái nhà

Tuy nhiên, lắp đặt điện mặt trời mái nhà hiện nay đang vấp phải một số khó khăn, trong đó vướng mắc lớn nhất là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định loại hình điện mặt trời mái nhà.

EVN cho biết thời gian qua tập đoàn đã nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận về vướng mắc trong mua bán điện mặt trời mái nhà.

do xo lap dien mat troi mai nha de huong gia caođiện mặt trời mái nhà để hưởng giá cao" />
Hiện EVN đang gặp vướng mắc về phân biệt dự án điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới. Ảnh: EVN.

Cụ thể, một trang trại nông nghiệp hữu cơ ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận rộng trên 20 ha được UBND huyện Ninh Phước cấp giấy phép kinh doanh với ngành nghề trồng nông sản, chăn nuôi để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chủ trang trại đang cho một số công ty khác thuê lại đất và cơ sở hạ tầng để canh tác, kết hợp lắp đặt các hệ thống điện mặt trời có công suất dưới 1 MW, đấu nối cấp điện áp 22 kV phục vụ nhu cầu sản xuất và bán điện lên lưới điện quốc gia.

Đến nay, hầu hết hệ thống có các tấm pin quang điện được lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ làm mái che cho khu vực đường giao thông nội bộ và trên khung công trình có lớp lưới che phủ khu vực canh tác, đã được Công ty Điện lực Ninh Thuận lắp đặt công tơ 2 chiều để ghi nhận sản lượng phát lên lưới nhưng chưa thể thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ hệ thống điện mặt trời.

Ngoài trường hợp nêu ở trên, còn có nhiều trường hợp hệ thống điện mặt trời có tính chất tương tự.

Đại diện EVN thừa nhận chưa thể thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua do chưa xác định được giá mua điện từ các hệ thống này là điện mặt trời mái nhà hay điện mặt trời nối lưới.

Theo EVN, trường hợp các công trình xây dựng dân dụng, nhà xưởng đã có sẵn như (trụ sở, nhà máy, trường học…) thì đảm bảo quy định ở Quyết định 13. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều dự án điện mặt trời xấp xỉ 1 MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, cơ sở để xác định có phải là điện mặt trời mái nhà thiếu rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.

do xo lap dien mat troi mai nha de huong gia cao

 
Tính đến ngày 26/8 cả nước đã có 46.042 hệ thống điện mặt trời mái nhà được phát triển, với công suất 1.060 MWp. Ảnh: Diệp Trà.

Bên cạnh đó, việc xác định “tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà” theo Quyết định 13 cũng gặp khó khăn do hình thức “mái nhà” rất đa dạng về hình thức tấm mái (mái tôn, mái nhựa, tấm lấy sáng, bạt nylon…), cách thức lợp mái trong khi, các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.

Ngoài ra, có nhiều dự án lắp đặt trên khung giá đỡ nằm trên đất vườn, đất nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại, có mục đích chính là để sản xuất điện mặt trời nhằm hưởng giá bán điện dành cho điện mặt trời mái nhà.

Còn có một số công trình dùng chính tấm pin làm mái che và lắp đặt cách nhau một khoảng hở để lấy ánh sáng cho phù hợp với vật nuôi, cây trồng bên dưới, sau đó có lắp bổ sung các tấm lợp bên dưới xà gồ để công nhận là điện mặt trời mái nhà.

“Do các hướng dẫn để xác định cụ thể về dự án điện mặt trời mái nhà chưa rõ ràng, vì vậy các tổng công ty điện lực rất khó khăn trong việc xác định để áp dụng đúng giá mua bán điện theo Quyết định 13”, đại diện EVN cho hay.

Hiện, tại một số địa phương, còn xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng, thuê mái nhà, trang trại của nhiều hộ dân để lắp điện mặt trời để bán điện cho EVN nhằm mục đích kiếm lời.

Theo Quyết định 13, giá mua điện từ EVN với các công trình điện mặt trời mái nhà là 8,38 UScents (khoảng 1.943 đồng/kWh), còn giá mua điện mặt trời mặt đất là 7,09 UScents (1.644 đồng/kWh). Giá mua điện mặt trời nổi trên mặt nước là 7,69 UScents (1.783 đồng/kWh).

 

Theo Thanh Thương/Zing.vn

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay4
  • Tháng hiện tại51759
  • Tổng lượt truy cập2067875
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây