03:08 30/07/2023
Lượt xem: 814
Năng lượng gió là một nguồn năng lượng sạch và bền vững. Việc sử dụng điện gió, điện mặt trời giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh minh họa: IT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo tại cuộc họp về việc thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời. Tại Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023, Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ chỉ đạo này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022, Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 theo đúng quy trình, thủ tục và quy định để tận dụng các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, đưa vào sử dụng.
Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, bổ sung nguồn điện quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Chính phủ đã và đang thực hiện các giải pháp cần thiết để chuyển đổi năng lượng quốc gia, trong đó có các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo. Việc đẩy nhanh đưa vào sử dụng các nhà máy điện gió, điện mặt trời sẽ bổ sung nguồn điện cho quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn giữa các ngành nghề kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia nhận định rằng, thời gian chiếu sáng và lượng bức xạ nhiệt Việt Nam nhận được hàng năm tương đối lớn. Đặc biệt ở các vùng khô nắng nhu các tỉnh duyên hải và Nam Trung Bộ. Các vùng biển Việt Nam, từ Cà Mau đến Bình Thuận, tốc độ gió đạt từ 7 đến 11m/s. Đây cũng là các khu vực có tiềm năng công suất năng lượng gió lớn nhất trên thế giới.
Do đó, ngành công nghiệp điện mặt trời và điện gió cũng được nhà nước khuyến khích phát triển. Những ưu đãi về đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều dự án đã được doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Thông báo cũng nêu rõ: Trong thời gian chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá, đàm phán giá, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính, đàm phán giá điện đối với điện gió, điện mặt trời. Chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.
Đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Đối với dự án chưa đủ điều kiện vận hành, còn vướng mắc về thủ tục pháp lý: Bộ Công Thương và các địa phương nơi có dự án điện chuyển tiếp khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định.
Đối với dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng đã hết kỳ quy hoạch, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương nơi có dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và các quy định có liên quan khác.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có văn bản trước ngày 25/5/2023 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc xem xét, quy định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp có thời gian thực hiện quá 24 tháng so với thời hạn được quy định tại Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu theo đúng quy định.