Cần khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo

 10:28 13/08/2018

 Lượt xem: 1224

 

Các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch, thủy điện… đang dần cạn kiệt, trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), nếu có cơ chế khuyến khích đầu tư hợp lý thì giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam sẽ không lo thiếu điện.

Đây là các ý kiến được nêu ra tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam-những thách thức trong bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững do Báo Công Thương tổ chức ngày 9-8, tại Hà Nội.

Tăng trưởng năng lượng cao hơn tăng trưởng GDP

Chia sẻ tại diễn đàn, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Lê Văn Lực cho biết, thời gian qua, năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội được đảm bảo. Trong giai đoạn 2000-2015, năng lượng thương mại (dầu thô, than đá, khí, thủy điện) tăng trưởng 9,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức tăng GDP của quốc gia trong cùng kỳ. Trong các loại năng lượng thương mại, thủy điện có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,6%/năm. Tốc độ tăng trưởng của than, sản phẩm dầu và khí tự nhiên trong cùng kỳ lần lượt là 12,2%/năm, 6,2%/năm và 13,4%/năm.


Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), một trong những trung tâm điện lực lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: MẠNH HƯNG

Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế-xã hội, trong giai đoạn 2003-2018, tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với tổng công suất 20.586MW. Đáng chú ý, nhiều công trình nguồn điện lớn đã đưa vào vận hành vượt tiến độ, như: Công trình thủy điện Sơn La (2.400MW); các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam, như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 đưa vào vận hành đúng tiến độ, góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam thời gian qua. Đến cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống dự kiến đạt 47.768MW (tăng 5,41 lần so với năm 2003) đứng thứ hai trong các nước ASEAN và thứ 25 thế giới.

Nguy cơ thiếu năng lượng

Ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hiện ngành năng lượng đang phải đối mặt với bài toán phức tạp và đa mục tiêu. Một mặt, ngành cần đáp ứng nhu cầu tăng cao để phát triển kinh tế-xã hội, mặt khác cần bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, cùng với đó là sự tới hạn của các nguồn năng lượng truyền thống trong khi các nguồn cung năng lượng mới, tái tạo vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, từ nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng từ năm 2015. Nhu cầu năng lượng cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.

Cảnh báo nguy cơ thiếu điện sẽ hiện hữu từ năm 2020, ông Ngô Sơn Hải nêu rõ, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiện điện than với tổng số 7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn hơn 18.000MW/26.000MW các dự án nhiệt điện than dự kiến đưa vào vận hành trong 5 năm tới, nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay. Việc bảo đảm nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro, các nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm nhưng chưa có nguồn cấp khí thay thế.

Nêu ra hàng loạt thách thức cho vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh, đến thời điểm này, các mục tiêu của Quy hoạch điện VII vẫn chưa hoàn thành, cùng với đó, các dự án năng lượng tái tạo, như: Điện mặt trời, điện gió… bù đắp cho những thiếu hụt năng lượng do dự án điện hạt nhân dừng lại vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững, chắc chắn cần nâng cao việc ứng dụng công nghệ vào phát triển năng lượng.

Năng lượng tái tạo đã rẻ hơn nhiều

Đóng góp ý kiến nhằm giải quyết những tồn tại, phát triển năng lượng bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển các nguồn điện hợp lý; trong đó năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, song cần xem xét vấn đề quy hoạch; cơ chế giá điện; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực; phê duyệt cấp phép sao cho phù hợp với thực trạng lưới điện truyền tải hiện nay để tránh quá tải cục bộ, bảo đảm ổn định hệ thống.

Đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho biết, nước ta có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo do tài nguyên có sẵn, phân bố khắp đất nước. Cụ thể, Việt Nam có thể sản xuất điện gió trên đất liền, điện gió ngoài khơi. Còn với năng lượng mặt trời có thể lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời">pin năng lượng mặt trời ở nhiều vùng khác nhau, như: Trên bờ biển, hồ nước, đồng bằng, rừng núi, mái nhà… Cùng với đó, một yếu tố thuận lợi khác là những tiến bộ công nghệ đang giúp làm giảm đáng kể chi phí phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Chính phủ đã có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời">dự án điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ khi yêu cầu EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới. “Cần phải có cơ chế để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và điện mặt trời. Nếu quyết liệt, giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện. Nếu có cơ chế đặc biệt và sớm được phê duyệt, ước tính từ lúc lập dự án điện mặt trời, điện gió cho đến khi đưa vào vận hành chỉ trong một năm”, ông Nguyễn Văn Vy khẳng định.

Gợi ý giải pháp cho ngành năng lượng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, mục tiêu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng ở tốc độ cao trong nhiều năm, do đó tương ứng với nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong đó, cần giải bài toán cân đối cung-cầu cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện; giữa quản lý và tiêu dùng, an sinh xã hội, cũng như các vấn đề về môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. “Lời giải cho bài toán an ninh năng lượng là phải quan tâm đến quản lý phía nguồn cầu, chứ không chỉ lo nguồn cung. Theo đó, cách tiếp cận phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, nghĩa là phải thay đổi và tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định. Cùng với đó là phải đầu tư công nghệ cao để giảm sự tiêu tốn năng lượng”, ông Trần Đình Thiên nói.

Nguồn: Báo Mới

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay4367
  • Tháng hiện tại48951
  • Tổng lượt truy cập2065067
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây