08:57 28/05/2023
Lượt xem: 608
Cụ thể, ngày 24/5, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi EVN về việc đàm phán giá tạm thời của các nhà máy điện chuyển tiếp. Tại văn bản này, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện khi đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Tuy nhiên, EVN khẳng định luôn hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo theo đúng quy định, để quá trình làm việc, đàm phán giữa bên mua điện và bán điện được diễn ra khẩn trương nhất có thể. EVN sẵn sàng làm việc kể cả vào ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ đàm phán.
Theo EVN, một số dự án hiện còn nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý. Hầu hết các dự án là chưa hoàn thiện, thiếu các thủ tục pháp lý khác nhau, trong đó khó khăn, vướng mắc nhiều nhất liên quan đến đất đai để thực hiện dự án. Trường hợp chủ đầu tư không hoàn thiện các vấn đề pháp lý, không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, thì EVN rất rất khó huy động điện từ các dự án này, vì như thế không khác gì hợp tác hóa vi phạm.
Tiếp đến, ngày 25/5, Bộ Công Thương có văn bản về việc triển khai thực hiện Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5 của Văn phòng Chính phủ gửi gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, EVN, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo và Cục Điều tiết Điện lực.
Tại văn bản này, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương thực hiện các nội dung như sau:
Thứ nhất: Đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.
Thứ hai: Đối với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm thời, đề nghị EVN khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện lên lưới điện.
Với các nhà máy điện còn lại, EVN khẩn trương thoả thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27/5 để trình Bộ Công Thương phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.
Mặt khác, giao EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến thoả thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 27/5, hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định tại Quyết định số 25/QĐ-ĐTDL ngày 16/3 của Cục Điều tiết Điện lực trước ngày 27/5 đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm. Xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phủ hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan.
Cùng với đó là khẩn trương tối đa xem xét các hồ sơ chủ đầu tư nộp, rà soát các yêu cầu đối với chủ đầu tư về thành phần hồ sơ đàm phán giá điện, đảm bảo đơn giản hoá thủ tục, nhưng chặt chẽ, hợp lý và đúng quy định.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh có nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.
Mặt khác, Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đối với Cục Điều tiết Điện lực, Bộ yêu cầu khẩn trương thực hiện công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.
Theo báo cáo cập nhật của EVN về công tác tiếp nhận hồ sơ, kết quả đàm phán, phê duyệt giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cho biết: Tính đến 17h30, ngày 25/5/2023, đã có 44/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong số này, có 28 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21 của Bộ Công Thương). Trong đó, có 19 dự án (hoặc một phần dự án) đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký hợp đồng mua bán điện.
Theo EVN, qua quá trình rà soát hồ sơ, đàm phán và căn cứ cơ sở Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023, trong số 37 dự án đã gửi hồ sơ, thì đến ngày 24/5/2023 EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án. Hai Bên đã họp và thống nhất các nội dung như sau:
Thứ nhất: Giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương.
Thứ hai: Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.
Về kết quả thực hiện đàm phán, đến nay đã có 19 dự án (hoặc một phần dự án) đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký hợp đồng mua bán điện.
Cụ thể, về các dự án điện gió gồm có: Nam Bình 1, VPL Bến Tre, Yang Trung, Chơ Long, Hưng Hải Gia Lai, Lạc Hòa 2, Hòa Đông 2, Viên An, Hanbaram, Hướng Hiệp 1, Tân Phú Đông, Hiệp Thạnh, Ia Le 1, Hướng Linh 7.
Về các dự án điện mặt trời gồm có: Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450 MWac) với công suất tổng cộng 1.347 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm. Hiện EVNEPTC và chủ đầu tư đang phối hợp để sớm ký kết hợp đồng mua bán điện.
Với dự án điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2, công suất 30 MW đã hoàn thành đàm phán, hiện đang hoàn thiện thủ tục để sớm trình Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.
Ngoài ra, còn có 4 dự án với công suất tổng cộng 154 MW (gồm các nhà máy điện gió: Số 5 - Hạnh Hải 2, 3, 4 và Cầu Đất), EVNEPTC và chủ đầu tư vừa tiến hành đàm phán vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định./.